Lễ hội Trò Trám - Lễ hội "Linh tinh tình phộc"

Kiệu rước linh vật

Kiệu rước linh vật

Lễ hội "Trò Trám" ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh phú Thọ hay gọi nôm na là lễ hội "Linh tinh tình phộc"

Câu ca dao cổ được lưu truyền quanh vùng Tứ Xã, Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ: `` Trò Trám vào đám mười hai, chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân``. Dân Tứ Xã, Lâm Thao quê hương của chàng Tổng Cóc chồng bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, cứ đến đêm 11 tháng Giêng lại tổ chức hội “Trò Trám” -  "Linh tinh tình phộc". 

 Hội Trò Trám được tổ chức từ đêm 11 tháng Giêng với các trò: cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, thợ mộc, dạy học…. diễn trò là những người dân Tứ Xã với những tiết mục dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính sĩ, nông, công, thương … chìm trong những câu ca lời hát đối dân gian vui nhộn.

Các màn diễn trò được cư dân thôn Trám, Tứ Xã diễn trong hội
Các màn diễn trò được cư dân thôn Trám, Tứ Xã diễn trong hội
 
Trung tâm đêm hội Trò Trám là tín ngưỡng phồn thực có tên gọi “Lễ mật” – một hoạt động mang tính tâm linh của người Việt cầu mong cho nòi giống trường tồn – “cầu đinh”... được thực hiện vào nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng giêng (âm lịch) tại miếu Trò. Sau lễ tế do các cụ bô lão trong làng thực hiện vào đầu giờ Tý, đúng chính Tý 0 giờ,  diễn trò “ Linh tinh tình phộc”.
 
Bô lão làng Trám làm thủ tục tế lễ vào giờ Tý trước đền Trám
Bô lão làng Trám làm thủ tục tế lễ vào giờ Tý trước đền Trám
 
Sau khi hoàn thành việc tế lễ trước đền Trám (sau 12 giờ đêm), ông thủ từ làm lễ thắp hương để xin thần miếu lấy bộ linh vật "nõ, nường" được cất giữ tại nơi linh thiên nhất của đền Trám xuống để trao cho cặp nam, nữ được làng chọn trước - hai linh vật tượng trưng cho giới nam và nữ được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, theo quan niệm của người xưa trò chỉ được diễn trong đêm tối vào đúng giờ “lành” chính Tý thì ý nghĩa cầu may, linh thiêng của việc mới linh diệu.
 

Lấy linh vật "nõ, nường" từ nơi linh thiêng của đền Trám

Người đàn ông lực điền đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm ""; Người nữ nông mặc yếm, váy ngắn thâm, cầm "nường". Sau khi làm lễ khấn thần miếu "Trám" xong, tất cả đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ từ gác miếu Trò hô ba lần câu "Linh tinh tình phộc" đây chính là quan niệm dân gian là phút "khởi nguyên" cho sự sống một vòng đời và được gọi là lễ "cầu đinh".
 

Thoát xác để hóa thân vào chàng lực điền dân gian
 
Sau mỗi câu "Linh tinh tình phộc", đôi nam nữ cầm "nõ'' và ''nường" lại chạm mạnh hai vật vào nhau và cứ mỗi lần chạm nhau như vậy, chiêng trống nổi lên, dân làng lại reo hò vui vẻ. Nếu cả 3 lần “nõ” và “nường” đều “phộc” trúng nhau, quan niệm cho rằng năm đó dân làng Trám sẽ có nhiều may mắn (hiện tại sự đồng bộ giữa diễn trò và chiêng trống không được như xưa - Lời ông chủ tịch xã Tứ Xã", nên cũng kém đi phân nào cái vui dân gian, cái hả hê của một hội xuân,

 'Nõ' tiếng vào 'Nường' sau giờ lành
"Nõ" tiến vào "Nường" sau giờ lành

Lễ hội Trò Trám ngày xưa, sau 3 câu  "Linh tinh tình phộc", cụ từ sẽ hô to "Tháo khoán" khi này nam nữ đuổi bắt nhau. Và đêm ấy là đêm của tình yêu: gái, trai tham dự hội được tự do tâm tình, cởi mở tấm lòng... Những đứa trẻ sinh ra từ đêm "Linh tinh tình phộc" trong làng được làng trọng thưởng, nay việc này không còn được duy trì và chỉ mang tính tượng trưng của tục cũ, nếp xưa; Đêm lễ hội kết thúc vào khoảng 1 giờ sáng ngày 12 tháng Giêng, để sáng hôm sau tiếp tục hội rước lúa thần.
 

 Mỗi vùng quê một chiều dầy văn hóa, một nét tín ngưỡng dân gian, nhưng lễ hội này quả thật có một không hai ở một nước Á đông như Việt Nam, càng làm phong phú thêm bức tranh văn hóa giầu bản sắc của một dân tộc với nhiều nghìn năm lịch sử.
Nhưng cách tổ chức, quy mô và tính chuyên nghiệp thì cần xem xét lại, nếu chỉ dừng ở mức như đã "mục kích sở thị" thì lễ hội chỉ dừng lại ở mức của cấp "Làng, Xã" chứ chưa nói đến "cấp Tỉnh" như cánh đây ít năm đã được tổ chức, thực hiện.

Tác giả bài viết: LVH

Nguồn tin: Hasitec