Mấy vấn đề về xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Mỗi thực thể xã hội nói chung đều gắn với một nền văn hóa, văn hóa là nơi hội tụ các giá trị về đạo đức, tinh thần, vật chất, tri thức … được kế thừa truyền thống và được xây dựng, gìn giữ tạo nên thế và sức của cả một dân tộc.
Doanh nghiệp nói riêng nếu xét trên một góc độ hẹp cũng được hiểu như một xã hội thu nhỏ, đặc trưng và phản ánh tổng quát xét cho cùng cũng là văn hóa, gọi nôm na là văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa công ty.
Văn hóa doanh nghiệp chính là chất xúc tác, là động lực, là keo gắn kết những cá nhân khác nhau về trình độ, về học vấn, về văn hóa…để họ làm việc theo một chuẩn mực giá trị, đạo đức trong cùng một môi trường làm việc, hướng tới những mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khi xây dựng được văn hóa phù hợp, thì chính văn hóa doanh nghiệp sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của kinh tế thị trường, thậm trí thoát hiểm một ngoạn mục; Văn hóa doanh nghiệp chính là keo gắn kết NLĐ thành một khối thống nhất, trên cơ sở của niềm tự hào về công ty trong quá khứ cộng với sự tin tưởng vào tiền đồ trong tương lai và quan trọng hơn cả là cái tâm, cái ý của mọi NLĐ “Công ty là gia đình của ta” nên trước khó khăn hoặc ngay cả trên bờ vực của sự phá sản doanh nghiệp vẫn có thể đứng dậy và vượt qua được.
Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn Internet)
Muốn xây dựng một văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành một động lực, chuẩn mực lao động, làm việc chủ động và tự giác cao đối với mọi NLĐ, cần tiến hành theo một thứ tự sau:
Thứ nhất: người đứng đầu doanh nghiệp phải là người “Có văn hóa”, văn hóa được đề cập ở đây không đồng nghĩ với “Văn bằng, chứng chỉ” và thực sự ý thức được tầm quan trọng của "văn hóa doanh nghiệp" để quan tâm đúng mực, thường xuyên có ý thức tu bổ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Người đứng đầu phải là một doanh nhân có văn hóa và quan trọng nữa là cần phải "có Tâm".
Thứ hai: Xây dựng những giá trị về đạo đức, tinh thần, nhân ái chung và hệ thống các chuẩn mực đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cùng với hệ thống thước đo đánh giá chính xác, người thực hiện công tâm;
Thứ ba: Xây dựng hệ thống các động lực đối với người lao động và quy tắc ứng xử minh bạch, công bằng …trong đánh giá, đãi ngộ, thăng tiến đối với mọi thành viên.
Thứ tư: xây dựng một văn hóa tự phê bình, nhận khuyết điểm hoặc từ chức khi mắc lỗi hoặc sai sót gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn Internet)
Thứ năm: Gắn sự phát triển SXKD vào phát triển thương hiệu và hệ thiống các mục tiêu về đời sống vật chất, tinh thần, trí tuệ và nhân văn của NLĐ; Phát triển văn hóa doanh nghiệp theo từng cấp độ phù hợp với trình độ, nhận thức, thu nhập của NLĐ cũng như khả năng, quy mô phát triển của doanh nghiệp.
Thứ sáu: xây dựng văn hóa giao tiếp, trật tự vệ sinh công sở, giao tiếp kinh doanh, giao tiếp với khách hàng và giao tiếp với cơ quan quản lý, công quyền.
Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn Internet)
Thứ bẩy: Xây dựng những quy tắc mang đậm tính văn hóa trong kinh doanh, để khuyển khích từ người đứng đầu đến người thấp nhất đều thống nhất và chủ động tạo ra những giá trị văn hóa kinh doanh mang đậm hình bóng doanh nghiệp.
Thứ tám: Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng theo nguyên tắc “mở” để dung nạp các chuẩn mực phù hợp, để thải loại các chuẩn mực không còn thích hợp, nhưng không đồng nghĩa mở để phủ nhận hết các giá trị cốt lõi, truyền thống của doanh nghiệp.
Nếu quan niệm và thực hiện được tám vấn đề trên thì văn hóa doanh nghiệp sẽ thực sự trở thành một nguồn lực giúp doanh nghiệp vượt qua ghềnh thác, khó khăn đầy rủi ro, biến động của nền kinh tế thị trường và phát triển ngày một vững chắc
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hasitec.com.vn là vi phạm bản quyền