Đang truy cập : 303
Hôm nay : 10010
Tháng hiện tại : 319146
Tổng lượt truy cập : 47186927
Là một người hoạt động trong lĩnh vực Viễn thông - CNTT 20 năm và tham dự vào các hoạt động chiến lược viễn thông của các tập đoàn, tổng công ty viễn thông-CNTT lớn của Việt Nam, dưới đây xin phép thử đưa ra vài dự báo về tình hình thị trường Viễn thông và xu hướng phát triển trong năm 2016.
Trước tiên xin tổng hợp lại ngắn gọn một số tình hình thị trường Viễn thông Việt Nam năm 2015 và một số doanh nghiệp Viễn thông - CNTT lớn. Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết mới đây thì số lượng thuê bao di động là 120,6 triệu có phát sinh lưu lượng trong đó có 5,5 triệu thuê bao trả sau, chiếm 4,5% tổng số thuê bao và 115 triệu thuê bao trả trước, chiếm 95,5%. Số lượng thuê bao 3G là 36 triệu (30%).
Viettel: Theo báo cáo chính trị của Tập đoàn Viettel tại Đại hội Đảng bộ lần IX thì năm 2015, tổng doanh thu Tập đoàn Viettel ước đạt 232.000 tỷ đồng, vượt 16% so với mục tiêu; lợi nhuận trước thuế ước đạt 47.000 tỷ đồng, vượt 67% so với mục tiêu; nộp ngân sách ước đạt 21.000 tỷ đồng, vượt 16,6% so với mục tiêu.
VNPT: Năm 2015, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt gần 90.000 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và tăng 7,5% so với năm 2014. Đặc biệt, tổng lợi nhuận của VNPT đạt 3.280 tỷ, đạt gần 112% kế hoạch, tăng 20% so với thực hiện năm 2014.
Năm 2015, tổng nộp ngân sách Nhà nước 2015 đạt 3.555 tỷ, đạt gần 115% kế hoạch, tăng gần 4% so với thực hiện 2014. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2015 hoàn thành gần 114% kế hoạch Bộ TTTT giao, tăng gần 21% so với thực hiện 2014. Năng suất lao động theo doanh thu kinh doanh Viễn thông -CNTT đạt hơn 2 tỷ đồng/người/năm, tăng gần 16% so với thực hiện năm 2014.
MobiFone: Tại Hội nghị triển khai công tác Tổng công ty Viễn thông MobiFone ngày 25/12, Tổng công ty Mobifone đã công bố các kết quả hoạt động. Theo đó, doanh thu pháp lệnh đạt 36.900 tỷ đồng – tăng trưởng 8,29% và lợi nhuận đạt 7.395 tỷ đồng – tăng trưởng 1,1% so với năm 2014, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tiếp tục ở mức cao 49,35%, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 6.922 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2014).
Tóm lại, tổng doanh thu của ba tập đoàn, Tổng công ty viễn thông - CNTT hàng đầu Việt Nam, ước chiếm 96% thị trường Viễn thông Việt Nam là 360.000 tỷ đồng. Ước tính thị trường Viễn thông đạt 375.000 tỷ (16,7 tỷ USD). So với năm 2014, tổng doanh thu của 3 nhà mạng là 333.000 tỷ (Viettel 196.000 tỷ, VNPT 101.000 tỷ, MobiFone 36.000 tỷ đồng) thì năm 2015 doanh thu viễn thông của 3 nhà tăng 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 8%.
8 dự đoán cho năm 2016:
Doanh nghiệp Việt chiếm ưu thế:
Thị trường Viễn thông hình thành thế "chân vạc" và 3 doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm thị phần chủ đạo mặc cho các hiệp định WTO hay TPP tác động lên lĩnh vực viễn thông và CNTT. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ có sức ép từ các dịch vụ OTT của các nhà khai thác dịch vụ như Facebook (Messenger, Whatsapp), Google, Viber,… và cả OTT nội địa như Zalo.
Dự báo tăng trưởng doanh thu thị trường Viễn thông - CNTT khoảng 8.5%/năm.
Chuyển hướng danh cung cấp dịch vụ CNTT và Giá trị gia tăng:
Doanh thu của các dịch vụ như thoại, SMS sẽ tiếp tục suy giảm với sự lên ngôi của các dịch vụ OTT và các nhà mạng sẽ chuyển từ nhà khai thác viễn thông thuần túy sang nhà khai thác dịch vụ và giải pháp, nhất là dịch vụ CNTT.
Mạng 4G:
Năm 2016 sẽ chứng kiến dịch vụ 4G được triển khai một cách thận trọng ở những nhà mạng và ở các đô thị, thành phố lớn trong nước. Tuy nhiên, chưa đến thời điểm bùng nổ 4G do chưa có dịch vụ cho 4G và giá thiết bị 4G còn cao so với mặt bằng chung của xã hội.
Chuyển mạng giữ số:
Các nhà khai thác viễn thông-CNTT sẽ chuẩn bị ráo riết cho việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability - MNP) vào năm 2017, tập trung vào chất lượng dịch vụ, cải tiến và nâng cao hoạt động chăm sóc khách hàng (CSKH).
Quản trị trải nghiệm khách hàng:
Năm 2016 chứng kiến việc các nhà khai thác viễn thông-CNTT quan tâm một cách đặc biệt công tác CSKH (Customer Care), sự thay đổi về chất từ cạnh tranh về giá (còn tiếp diễn) sang cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, mang lại trải nghiệm tốt đẹp hơn về dịch vụ dưới con mắt của khách hàng. Một số nhà mạng đã có chiến lược CSKH với những bước đi táo bạo, tạo sự khác biệt.
Các công nghệ IoT, M2M:
Các khuynh hướng công nghệ này sẽ được triển khai và có bước phát triển trong năm 2016. So với thế giới, thị trường IoT, M2M mới ở mức độ sơ khai và còn rất nhiều tiềm năng.
Phân tích dữ liệu lớn:
Các nhà mạng sẽ có nhiều dự án triển khai phân tích dữ liệu lớn (big data analytics) trong việc tìm hiểu hành vi, nhu cầu khách hàng để từ đó ra quyết định hợp lý và phản ứng kịp thời với thị trường.
Dịch vụ về Video (VOD, Video Streaming):
Đây là dịch vụ ưu tiên phát triển để đón đầu việc triển khai mạng 4G. Dịch vụ Video là dịch vụ hàng đầu được cung cấp trên nền tảng công nghệ 4G, LTE.
Tác giả bài viết: Đào Trung Thành
Nguồn tin: ictpress.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn