Thực hiện trách nhiệm xã hội là phát triển bền vững doanh nghiệp
Những khái niệm "Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp" , "Doanh nghiệp Công dân" không còn là những khái niệm hoặc tập hợp từ xa lạ đối với hầu hết những doanh nghiệp có quy mô toàn cầu,
Trong khuôn khổ có hạn bài viết đề cập đến một số khía cạnh xung quanh vấn đề Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (corporate social responsibility - CSR). Một định nghĩa tương đối đầy đủ về khái niệm này được trích dẫn như sau: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và của mỗi quốc gia. Xu thế toàn cầu hướng đến mục tiêu chung là xây dựng và thông qua một Công ước quốc tế tập hợp mọi quốc gia, cơ quan, tổ chức và Doanh nghiệp thực hiện sứ mạng về bảo vệ môi trường, sinh thái và phát triển lực lượng lao động, tọa công ăn việc làm, góp phần ổn định xã hội.
Trong khuôn khổ có hạn bài viết tập trung vào Doanh nghiệp với sứ mạng ổn định xã hội hay nói một cách dễ hiểu Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR).
Ảnh nguồn internet
Từ những hiệp ước hiệp định, thỏa ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết như WTO, AEC, TTP, E-FTA … dễ nhận thấy xu thế toàn cầu về trách nhiệm dân sự đối với xã hội của doanh nghiệp tại các nước phát triển và thậm trí là các nước ASEAN6 đã tham gia vào các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, lao động việc làm, môi trường sinh thái và chống tham nhũng màiDoanh nghiệp đóng một vai trò Chủ thể mà Quốc gia chỉ là người đại diện để ký hoặc thông qua các cam kết, điều ước quốc tế.
CSR đã trở thành một xu thế mang tính toàn cầu đặc biệt là ở các nước phát triển như khối EU (cũ), Mỹ, Nhật, Canada, Úc …. Người tiêu dùng ở các quốc gia này không chỉ là “Người tiêu dùng thông minh” mà họ còn là những “Người tiêu dùng nhân văn”. Họ vừa quan tâm đến chất lượng, giá cả của sản phẩm, dịch vụ theo đúng nhận dạng của "Người tiêu dùng" và nâng lên một cấp họ thực sự quan tâm đến phương cách Doanh nghiệp làm ra các sản phẩm đó thế nào? Họ muốn biết rõ những sản phẩm họ dự định mua có thân thiện với môi trường sinh thái, có tốt cho sức khỏe cộng đồng, lao động làm ra những sản phẩm này có được đối xử công bằng, nhân đạo không?....
Những người tiêu dùng thông minh này, họ không những chỉ là chân rết đầy trách nhiệm của các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà họ thực sự đã trở thành “tai, mắt”, có tầm bao phủ rộng khắp của các cơ quan quản lý, bảo vệ về môi trường, về lao động, về quyền con người …trên phạm vi toàn cầu.
Ảnh nguồn internet
Chính từ xu thế này, đã tác động trực tiếp và theo hướng ngày một gia tăng áp lực đối với Doanh nghiệp, điều này dẫn đến Doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển phải thay đổi lại nhận thức, đánh giá lại những tác động từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình và phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ với những hành động của mình đối với cộng đồng dan cư và rộng hơn là xã hội, chính phủ và môi trường ngay tại nơi mà Doanh nghiệp hoạt động hoặc tại nơi mà họ thu được lợi nhuận (thị trường).
Một luật chơi mới được thiết lập lại mang tính công bằng hơn là Doanh nghiệp muốn có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng sức lao động trên bất cứ một nền tảng xã hội nào đó thì họ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với môi trường, cộng động, chính quyền ngay tại nơi mà mình đang thụ hưởng. Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở ở mức độ khái niệm hoặc những hành động mang tính hình thức hoặc phong trào mang tính hưởng ứng với một nguồn kinh phí hạn hẹp như đại đa phần các Doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện như "hưởng ứng", "tham gia" quyên góp, ủng hộ cho các mục đích từ thiện, nhân đạo, cứu trợ thiên tai .... khi có một tổ chức nào đó đứng ra phát động … mà phải xây dựng một chiến lược tổ chức thực hiện cho cả giai đoạn phát triển, với những bước đi phù hợp để chủ động trong thực hiện CSR và coi CSR như một nghĩa vụ thường xuyên, song song với việc tìm kiếm lợi nhuận của Doanh nghiệp. Có như vậy mới giải quyết được mối quan hệ, sự cân bằng giữa một bên là lợi ích kinh tế của Doanh nghiệp với một bên là sinh thái, môi trường và ổn định xã hội.
Ảnh nguồn internet
Tiến trình hội nhập của Việt nam vào nền kinh tế thế giới ngày một sâu rộng, ngày một tới gần, việc tuân thủ thực hiện các hiệp định, thỏa ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết (mặc nhiên có CSR) đòi hỏi mỗi Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững nhất thiết phải xây dựng một chiến lược thực hiện CSR một cách có bài bản, phù hợp với những chuẩn mực, quy tắc ứng xử quốc tế. Ví dụ như: tiết kiệm nhiên liệu, điện năng, vật liệu tái sinh, giảm khí thải nhà kính…cũng như phương cách Doanh nghiệp công khai minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí tài nguyên, vật lực; quan hệ với cổ đông, ứng xử với người lao động và cuối cùng là cách Doanh nghiệp tương tác, phối hợp với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan.
Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp chính là chìa khỏa để Doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hasitec.com.vn là vi phạm bản quyền