Đang truy cập : 68
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 67
Hôm nay : 34366
Tháng hiện tại : 535878
Tổng lượt truy cập : 47403659
1. Microsoft ra mắt hệ điều hành Windows 8
Vào tháng 1 năm nay, Microsoft đã giới thiệu thế hệ mới của hệ điều hành Windows. Phiên bản mới này chạy trên cấu trúc system-on-chip bao gồm cả bộ vi xử lý được xây dựng dựa trên công nghệ ARM. Đây là một phần của nỗ lực Microsoft để mở rộng thị phần hệ điều hành tới các dòng sản phẩm máy tính bảng.
Windows 8 chạy trên chip Intel, bao gồm giao diện Metro mới hỗ trợ cảm ứng và một kho ứng dụng của Windows. Tuy nhiên, cho đến cuối năm nay, việc triển khai hệ điều hành mới này vẫn mới ở mức bắt đầu.
Hy vọng sang năm 2012, cộng đồng công nghệ sẽ được chứng kiến những bước phát triển mới của Microsoft dựa vào nền tảng Windows 8 như công ty đã tuyên bố.
2. Kho địa chỉ Internet IPv4 cạn, mở ra thời kỳ cho IPv6
Vào tháng 2 năm nay, Tổ chức quản lý địa chỉ Internet toàn cầu (Internet Assigned Numbers Authority - IANA) đã cung cấp địa chỉ IPv4 cuối cùng. Kho IPv4 đã cung cấp 4,3 tỷ địa chỉ Internet trên toàn cầu trong khoảng 30 năm từ khi ra đời.
IPv4 cạn kiệt là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển rất nhanh chóng của Internet. Điều này đặt áp lực lên nhà cung cấp dịch vụ Internet để đảm bảo cho mạng toàn cầu không bị quá tải địa chỉ IP. Từ đó, kho địa chỉ IPv6 ra đời.
IPv6 cho phép bảo mật tốt hơn, quản lý mạng tốt hơn và hứa hẹn là nguồn cung cấp vô tận các địa chỉ Internet trên toàn thế giới.
3. Thiên tai ở Nhật Bản và Thái Lan, các đại gia công nghệ lao đao
Ngày 11/3 trận động đất lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp điện tử của nước này. Trận động đất đã hạn chế việc cung cấp nguyên liệu thô và các linh kiện máy tính, điện thoại như bộ nhớ NAND flash, bộ vi xử lý và màn hình LCD.
Các công ty công nghệ nổi tiếng như Sony, Freescale, Fujitsu, Texas Instruments và các công ty khác đã phải vất vả để khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Thêm vào đó, trận lụt ở Thái Lan kéo dài hàng tháng trời vào nửa cuối năm nay cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới rất nhiều các cơ sở sản xuất của các hãng công nghệ lớn, làm giảm thị phần thị trường trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
4. Hệ thống PlayStation bị hack, Anonymous và sự phát triển của các nhóm hacker
Vào tháng 4 năm nay, các máy PlayStation của Sony và mạng Qriocity đã bị hacker tấn công, khiến các dịch vụ cung cấp cho hàng triệu người dùng bị chặn đứng trong vòng 2 tháng, làm tổn hại dữ liệu cá nhân của khoảng 70 triệu thuê bao và khiến Sony phải trả khoản chi phí 170 triệu USD để giải quyết vấn đề.
Mặc dù không chắc chắn nhóm tin tặc Anonymous hay LulzSec đã làm việc này nhưng đã có dấu hiệu của động cơ chính trị trong cuộc tấn công.
Anonymous được coi là cộng đồng hacker nổi tiếng nhất hiện nay, có biểu tượng là chiếc mặt nạ Guy Fawkes. Họ hoạt động qua mạng nên thậm chí người trong nhóm cũng không biết số lượng và danh tính các thành viên khác.
Nhóm tin tặc đã phát động các cuộc tấn công vào các đối tượng khác nhau như hãng bảo mật HBGary, các trang web khiêu dâm trẻ em, Koch Industries, Ngân hàng Mỹ, NATO và các trang web chính phủ khác.
Đây là nhóm có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong giới hacker ngày nay. Rất nhiều nhóm tin tặc khác như LulzSec, Peoples Liberation và TeaMp0isoN… tuyên bố có liên kết với Anonymous.
Cảnh sát đã thực hiện các vụ bắt giữ ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và những nơi khác nhưng vẫn không thể chặn đứng làn sóng đang phát triển mạnh mẽ trở lại của giới hacker.
5. Mạng xã hội Google+ ra đời
Mạng xã hội đang là một xu hướng phát triển mạnh trong thế giới công nghệ. Có thế kể đến 4 tên tuổi đình đám nhất hiện nay: Facebook, Twitter, LinkedIn và Google+.
Trong đó, Google+ là mạng ra đời muộn nhất (từ khoảng cuối tháng 6 - đầu tháng 7 năm nay) nhưng lại đang có tiềm năng phát triển lớn và được người dùng rất quan tâm. Tới tháng 9, Google + công bố đã có 40 triệu tài khoản và đạt 13,4 triệu lượt truy cập trong tháng.
Mới xuất hiện được 5 tháng, Google+ vẫn đang trong quá trình xây dựng cho mình một cá tính riêng, phân biệt với các mạng xã hội khác. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, với sự hậu thuẫn của Google (hiện là trang web có số lượt truy cập nhiều nhất thế giới), Google+ sẽ là mạng xã hội hoàn thiện nhất đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dùng.
6. Sự ra đi của một huyền thoại - Steve Jobs
Vẫn còn là quá sớm để đánh giá vai trò của Steve Jobs trong lịch sử phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, có thể nói, sự ra đi ở tuổi 56 của nhà đồng sáng lập Apple là sự kiện chấn động ở bất cứ vùng lãnh thổ nào xuất hiện các sản phẩm có logo quả táo khuyết.
Có thể nói, cùng với Bill Gates của Microsoft, Jobs là một trong hai nhân vật quan trọng trong kỷ nguyên phát triển của máy tính và đã đóng vai trò chủ chốt trong việc sáng tạo một thế giới "hậu máy tính". Các sản phẩm như Macbook, iPod, iPhone và iPad đã luôn là những sáng tạo nổi bật nhất, là bước ngoặt của làng công nghệ trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.
Cuộc sống của ông từ khi còn là một đứa trẻ được nhận nuôi đến nỗ lực không biết mệt mỏi trong những ngày cuối đời đã là một trong những câu chuyện được nhắc đến nhất của những người yêu thích Apple trong 3 tháng cuối năm 2011.
Và ngay cả những người không ưa thích các sản phẩm của Apple cũng phải thừa nhận rằng, dưới bàn tay nhào nặn của Steve Jobs, mỗi sản phẩm của Apple đều trở nên hấp dẫn và hái ra tiền.
7. iPhone 4S - sự thất vọng cho các "fan" của Apple
Có thể nói iPhone 4S là sản phẩm được chờ đợi nhất trong năm 2011. Sự ra mắt của nó vào đầu tháng 10 năm nay trở nên đặc biệt có ý nghĩa sau cái chết của "huyền thoại" Steve Jobs. Tuy nhiên, ngay từ khi được công bố, iPhone 4S đã gây thất vọng cho nhiều người khi không đủ đột phá để là chiếc iPhone thế hệ thứ 5 của Apple.
Tất nhiên, các nhà sản xuất của "Quả táo" đã tạo cho 4S những tính năng nổi bật và hiện đại nhất với chip A5, hệ điều hành iOS 5 và phần mềm trợ lý giọng nói Siri. Nhưng, trái với mong đợi, chính những điểm này đã lại gây thất vọng cho người dùng một lần nữa.
Chỉ trong vài tuần sau khi iPhone 4S được tung ra thị trường, Apple đã liên tiếp nhận được lời phàn nàn từ khách hàng về các vấn đề như tuổi thọ pin kém, Siri hoạt động không như mong muốn, lỗi phần mềm...
Công ty đã xác nhận các lỗi này và hứa hẹn sửa chữa bằng phiên bản nâng cấp của hệ điều hành iOS 5 nhưng qua 2 phiên bản chính thức và thử nghiệm, đến nay, Apple vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề mà người dùng gặp phải với chiếc smartphone mới nhất của mình.
8. “Thảm họa” kép của Research In Motion (RIM)
Hàng triệu người dùng Blackberry đã không thể sử dụng email, duyệt web và gửi tin nhắn kể từ việc hệ thống dịch vụ của RIM bị sập vào ngày 10/10 năm nay. RIM gọi đó là “sự gián đoạn mạng lưới lớn nhất trong lịch sử công ty”. Hãng này đã phải mất hơn ba ngày để khắc phục sự cố trên. Vậy mà ngay sau đó, hệ thống của RIM lại xảy ra lỗi kỹ thuật.
"Thảm họa" kép này đã kéo tụt lòng tin của người dùng vào hãng điện thoại đình đám của Mỹ, đánh mạnh vào doanh số và doanh thu của công ty trong quý cuối năm nay. RIM đã tốn vài trăm triệu USD để “đền bù” bằng các ứng dụng miễn phí có giá khoảng 100 USD cho mỗi khách hàng của mình.
9. Các cuộc chiến về bản quyền
2011 là năm có nhiều vụ kiện về bản quyền được nhắc đến nhất trong vài năm trở lại đây. Trong đó, ồn ào nhất là vụ kiện giữa Apple và Samsung, bắt đầu tại Mỹ vào tháng 4 và đến nay vẫn chưa đi tới hồi kết.
Cả 2 công ty đã cáo buộc đối phương vi phạm các bằng sáng chế về kiểu dáng công nghiệp hoặc thiết kế phần cứng của điện thoại thông minh và máy tính bảng. Cuộc chiến giữa 2 ông lớn về thiết bị di động đã lan ra phạm vi toàn thế giới với hơn 10 quốc gia, từ Mỹ tới châu Âu (Hà lan, Pháp, Đức, Ý...) và Úc. Diễn biến mới nhất của sự kiện này là việc tòa án Úc đã bỏ lệnh cấm bán máy tính bảng Galaxy Tab 10.1 của Samsung.
Ngoài Samsung, Apple còn liên quan tới các vụ tranh chấp với Google, HTC và Motorola. Trong khi đó, Android bị Oracle kiện về việc vi phạm các bằng sáng chế liên quan đến Java và Google cũng "dính" vào một cuộc chiến pháp lý với Microsoft.
10. Amazon"s Kindle Fire - mở đầu trào lưu của các dòng máy tính bảng giá rẻ
Trong vài năm trở lại đây, máy tính bảng đã xuất hiện và trở thành một sản phẩm công nghệ được đông đảo người dùng ưa chuộng vì sự gọn nhẹ và các tính năng hiện đại của nó. Cho đến nay, iPad của Apple vẫn nắm quyền thống trị thị trường này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Kindle Fire vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay đã khiến dòng máy tính bảng cao cấp của Apple phải lo ngại.
Với mức giá dưới 200 USD, thấp hơn phiên bản rẻ nhất của iPad 2 đến 300 USD, chiếc máy tính bảng của Amazon đã phá vỡ ý nghĩ "máy tính bảng chỉ dành cho những người có tiền" của nhiều người. "Sát thủ giá rẻ" này hướng tới đối tượng khách hàng bình dân, các hộ gia đình, học sinh, sinh viên với những đòi hỏi không cao về tính năng sản phẩm và điều kiện kinh tế hạn chế.
Sự ra đời của Kindle Fire đã mở đầu cho sự phát triển của các dòng máy tính bảng cỡ nhỏ giá rẻ mới với mức giả khoảng 200-300 USD mà đại diện tiêu biểu hiện nay là Fire là Nook Tablet. Với các sản phẩm đồng loạt ra mắt vào cuối năm nay, đầu năm sau, máy tính bảng hứa hẹn sẽ là một trong những mặt hàng thống trị thị trường công nghệ năm 2012.
Tác giả bài viết: Hoàng Anh
Nguồn tin: VnMedia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn