Đang truy cập : 88
Hôm nay : 479
Tháng hiện tại : 536635
Tổng lượt truy cập : 47404416
Thưởng tết cao nhất là TP HCM 523.000.000/thấp nhất là 1.500.000VND (đối với khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bình quân 6.501.000/thấp nhất 4.908.000VNDD; Hà Nội thưởng tết cao nhất là 73.000.000/thấp nhất là 200.000VND: Đà Nẵng thuởng tết cao nhất là 244.000.000/thấp nhất là 500.000VND; Khanh Hoà thưởng tết cao nhất là 71.000.000/thấp nhất là 300.000VND; Cần Thơ thưởng tết cao nhất là 105.000.000/thấp nhất là100.000VND.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc nới rộng khoảng cách tiền thưởng Tết giữa các khu vực kinh tế cũng báo hiệu sự thiếu bền vững. Sự phân hóa trong thưởng Tết ngày càng cao và xu hướng người lao động tìm kiếm các công ty có lương thưởng tốt vẫn là xu hướng chính trong thời gian tới.
Thưởng cao không lại với tăng giá
Ngày 27/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM đã thông báo tình hình thưởng Tết 2011, tổng hợp số liệu từ báo cáo của 1.140 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn thành phố. Theo đó, doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao nhất năm nay đạt trên 532 triệu đồng/người, thuộc về một doanh nghiệp FDI. Mức thưởng thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người cũng thuộc về một doanh nghiệp FDI.
Kết quả tổng hợp cho thấy, mức thưởng Tết năm 2011 cao hơn năm 2010. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, đang có một sự khác biệt trong việc chi tiền thưởng Tết năm nay. Nếu như năm 2007, 2008 mức thưởng cao nhất thuộc về các doanh nghiệp chứng khoán, ngân hàng, địa ốc, năm 2009 là các ngân hàng thì năm nay mức thưởng cao nhất lại thuộc về nhiều ngành sản xuất như điện tử, sản xuất sữa, nhựa, dịch vụ giao nhận, kinh doanh địa ốc và kinh doanh vàng.
Tại Hà Nội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã công bố báo cáo nhanh về tình hình thưởng Tết Tân Mão của các doanh nghiệp. Theo đó, mức cao nhất là gần 73 triệu đồng/người, thấp nhất là 200.000 đồng/người. Theo so sánh, mức thưởng Tết 2011 cao nhất ở khu vực doanh nghiệp Hà Nội vẫn thấp hơn so với năm Canh Dần (hơn 300 triệu đồng).
Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho thấy mức thưởng do 131 doanh nghiệp báo cáo, cao nhất là 244,3 triệu đồng/người và thấp nhất là 500.000 đồng/người. Thấp hơn một chút, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa công bố mức thưởng được 132 doanh nghiệp báo cáo cao nhất là 71 triệu đồng và thấp nhất là 300.000 đồng…
Trong khi đó, cho đến nay Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội vẫn chưa công bố các thông tin liên quan đến lương, thưởng của từng loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, khu vực FDI) trong cả nước.
Chúng ta thử nhìn lại tiền thưởng Tết năm 2010 để so sánh. Theo báo cáo của các địa phương về tình hình lương, thưởng Tết năm 2010 (Tết Canh Dần), mức thưởng Tết cao nhất trong cả nước được ghi nhận là 389 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI ở TP. HCM (trong khi đó thưởng Tết năm nay lên tới 532 triệu đồng, cũng thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP. HCM, cao hơn mức cao nhất của năm 2010 là 111 triệu). Bênh cạnh mức thưởng ngất ngưởng ấy lại có doanh nghiệp chỉ thưởng cho nhân viên 30 nghìn đồng. Trong khi mức thưởng Tết “khủng” của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội giảm, chỉ đạt 72,9 triệu đồng/người (năm 2010 lên tới 337 triệu đồng cũng thuộc một doanh nghiệp FDI)…
Có thể thấy thưởng Tết năm nay của người lao động nhìn chung cao hơn năm trước từ 15% đến 20%. Nhưng thực tế đời sống của người lao động vẫn gặp rất nhiều khó khăn do sự leo thang của giá cả thị trường. Theo công bố của Tổng cục Thống kê thì chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 (CPI) lên tới 11,75%. Do đó, mặc dù tiền thưởng và cả tiền lương có tăng nhưng đời sống của người lao động vẫn gặp không ít khó khăn.
Đáng chú ý, so với năm ngoái mức thưởng Tết của các doanh nghiệp dân doanh giảm 3,6%. Nguyên do được các chủ doanh nghiệp lý giải, thưởng Tết giảm vì suy giảm kinh tế, kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận giảm. Mặt khác, do Chính phủ tăng lương tối thiểu, phải chi thêm bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nên họ phải giảm bớt lương.
Chênh lệch nới rộng, đe dọa sự bền vững
Chuyện tiền thưởng Tết có nơi lên tới vài trăm triệu nhưng cũng có nơi chỉ vài chục ngàn vốn đã là thực trạng từ rất nhiều năm nay. Sự chênh lệch giữa người nhận thưởng cao nhất với người thấp nhất ngày càng được nới rộng. Cụ thể như khoảng cách tiền thưởng Tết năm nay giữa mức cao nhất của TP. HCM và mức thấp nhất của Hà Nội, chênh lệch tới 1.064 lần. Riêng TP.HCM sự chênh lệch về số tiền thưởng Tết là gần 600 lần. Ngay như ở Đà Nẵng, khoảng cách tiền thưởng Tết 2011 được kéo xuống mức chênh lệch gần 500 lần (so với năm 2010 chênh lệch hơn 2000 lần). Nhưng nhìn chung khoảng cách này vẫn còn rất rộng, tạo sự phân hóa cao nhất và thấp nhất.
Nhìn nhận một cách khách quan thì sự chênh lệch “một trời, một vực” mức tiền thưởng Tết là một tất yếu cả nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã khẳng định, việc trả lương, trả thưởng đúng với năng lực, sự cống hiến của người lao động là bí quyết giữ chân người tài, người giỏi thời cạnh tranh gay gắt về nhân sự. Đây cũng có thể xem là một dịp ghi nhận những đóng góp của người lao động trong quá trình xây dựng, phát triển “doanh nghiệp”.
Nếu mức thưởng Tết chênh lệch, chuyện công nhân "nhảy việc"
là điều tất yếu (Ảnh minh hoạ)
Đồng ý rằng lương thưởng ở mỗi doanh nghiệp sẽ có những mức độ khác nhau, tùy vào đặc trưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp và còn tùy thuộc vào cả năng lực của mỗi người lao động. Và về mặt nào đó chênh lệch giàu nghèo là hệ quả tất yếu của một nền kinh tế phát triển. Nhưng mức chênh lệch càng lớn thì tính bền vững của xã hội càng bị đe dọa.
Cần thận trọng vì “kẻ ăn không hết, lời lần chẳng ra”
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM, các con số thống kế về thưởng Tết có tính hợp pháp vì được tính toán và công bố rộng rãi. Nếu các doanh nghiệp, công ty làm nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ là đúng cho Nhà nước thì họ thưởng Tết cao cũng là điều bình thường. Nhiều khi thưởng Tết được coi là động lực để cho công nhân viên phấn đấu nhiều hơn để đạt kết quả cao trong công việc, từ đó tiền thưởng sẽ cao. Tuy nhiên, “vấn đề đặt ra là thưởng Tết cao có thật là do hiệu suất lao động và kết quả kinh doanh tốt nên thưởng lớn hay không?”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Ông Hòa phân tích: “Trước mắt, số tiền chênh lệch thưởng Tết có thể khiến nhiều người “xao động”, tuy nhiên chúng ta không nên chỉ nhìn vào những con số tiền thưởng đó vào một thời gian ngắn nhất định – những con số cụ thể lộ ra bên ngoài. Mà chúng ta cần nhìn một cách tổng thể, trong thời gian cả một năm nay hay một thời kỳ. Việc chênh lệch tiền thưởng quá cao, kéo theo sự chênh lệch giàu nghèo đáng báo động, vì vậy về tìm vĩ mô, trách nghiệm của Nhà nước là cần điều tiết tốt hơn bằng thuế từ thu nhập, lương bổng, từ sản phẩm… trong năm đó. Ngoài ra, cần có thêm những chính sách để người thu nhập thấp được ưu tiên nhiều hơn.
Một khía cạnh khác rất đáng chú ý đó là việc công bố rầm rộ thông tin lương thưởng trên các phương tiên thông tin đại chúng. Việc công bố rộng rãi những con số quá chênh lệch như vậy phần nào làm cho một bộ phận người lao động có thu nhập thấp trong xã hội cảm thấy xót xa và trăn trở.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tư vấn về các vân đề xã hội cho rằng việc công bố những con số thống kê tiền thưởng Tết một cách đại chúng là không cần thiết, chắc chắn sẽ làm cho người lao động suy nghĩ, góp phần tác động đến vấn đề bình đẳng xã hội. Hơn nữa, có thể làm cho bầu không khí xã hội lành mạnh hóa kém đi vì chuyện “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.
Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa nhấn mạnh: “Cần thận trọng khi đưa ra những thông tin lương thưởng với những con số chênh lệch quá lớn và phải có tính định hướng trong đưa tin, song hành cạnh đó là những bài viết “tích cực” về cuộc sống của người dân, bởi nếu không nó rất dễ làm méo mó trong tiếp nhận thông tin. Về khía cạnh xã hội học, theo ông Hòa chuyện “kẻ ăn không hết, người lần chẳng” có thể dẫn đến việc xuất hiện các loại tội phạm với tính chất “mục đích” là tìm cách “phân phối” lại bằng việc cướp của kẻ giàu chia cho người nghèo”!
Như vậy, có thể thấy xung quanh chuyện công bố thưởng Tết cũng rất cần sự thận trọng, nhất là từ các phương tiện truyền thông để tránh có những tác động và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của đa số người dân. Hơn nữa, cũng từ vấn đề này rất cần có những chính sách hợp lý, để làm sao thu hẹp được khoảng cách giàu – nghèo đang ngày càng bị đẩy xa hơn.
Quy luật phân công lao động xã hội (ý kiếm bình thêm)
Quy luật phân công lao động xã hội sẽ quyết định mức lương và mức thưởng cho từng cá thể trong một xã hội. Không ai "điên" mà bỏ số tiền lớn để thưởng cho những người không có năng lực và sự cống hiến cho sự phát triển của doanh nhiệp mình. Lựa chọn nghề mưu sinh phải suy nghĩ cân nhắc kỹ để sau này lại hối hận rồi lại "đứng núi này trông núi nọ".
Bất cứ xã hội nào cũng tồn tại khoảng cách giàu nghèo. Không có nghề nào cao quý hơn nghề nào cả, chỉ có người yêu nghề mới đáng quý, chỉ có người yêu nghề mới dám sống vì nghề và không bao giờ dùng tiền bạc để so sánh giá trị thật của nghề..
Tác giả bài viết: Phan Phu Lu
Nguồn tin: cand.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn