Phố Núi Tam Đảo một điểm đến cuối tuần lý thú
Vĩnh Phúc, Ngoài một số điểm du lịch, văn hóa tâm linh như đền thờ Hai Bà ở Hạ Lôi, xã Mê linh Huyện Mê Linh; Chùa Then, tháp Bình Sơn ở Tam Sơn, Lập thạch; Khu du lịch hồ Đại Lải, thị trấn Xuân Hòa và khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, huyện Tam Đảo… thì không có nhiều lợi thế về du lịch như một số tỉnh thành trong cả nước.
Tam Đảo là một dãy núi dài khoảng trên 70 km, rộng chừng 10 km; Với 3 ngọn núi chính: giữa là Bàn Thạch, trái là Thiên Nhị phải là Phù Nghĩa, đều cao gần 1.400m; Dãy Tam Đảo nằm trên địa bàn giáp gianh 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi tên là Tam Đảo (không gọi theo tên của các đỉnh núi), vì dọc theo quốc lộ 2 vào những ngày đẹp trời bạn có thể dễ dàng nhìn thấy 3 đỉnh núi này, tựa hồ như 3 hòn đảo, nổi lên lừng lững giữa một vùng đồng bằng bao la.
Đền Thõng nơi bắt đầu của khu du lịch tâm linh Tây Thiên
Theo đường 2B lên Tam Đảo, cách Tp Phúc yên chừng 15 km, rẽ trái 10 km tới địa phận xã Đại Đình, ghé thăm khu du lịch tâm linh Tây Thiên và khám phá rừng Tây Thiên; Đền Thõng là điểm dừng chân đầu tiên với cây đa nổi tiếng 9 cội, sau đền là suối giải oan và tiếp theo hơn 7km đường rừng bạn sẽ đến với chùa Tây Thiên. Nếu có điều kiện, du khách làm một cuốc bộ lội suối, băng rừng, leo dốc để lên, rồi xuống đến điểm xuất phát cũng phải mất non 1 ngày; Hiện tại chính quyền địa phương nơi đây đang triển khai dự án tuyến cáp treo lên Tây Thiên, theo kế hoạch tuyến cáp treo này sẽ được khánh thành để phục vụ du khách vào ngày chính hội Tây Thiên 12/02 âm lịch năm sau.
Hệ động vật rừng Quốc gia Tam Đảo - Tây Thiên khá phong phú với 281 loài, trong đó có những loài quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, cá cóc... sự đa dạng sinh học kết hợp với hệ thống các đền, đình, chùa có giá trị văn hóa, lịch sử khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với du khách và các nhà nghiên cứu.
Cổng vào Trúc Lâm Thiền Viện - Tây Thiên
Cách đền Thõng khoảng 2km về phiá phải là Trúc Lâm Thiền Viện - Tây Thiên, là một trong 3 thiền viện lớn nhất đất nước, nơi khơi nguồn Phật, nơi tu học của tăng ni, phật tử; Thiền viện ẩn mình trong cây lá rùng Tây Thiên với những mái cong uốn lượn, mang đậm nét kiến trúc Á đông, giữa rừng thông hàng trăm năm tuổi, càng tăng thêm vẻ đẹp nhà phật, có gì đó rất thiền tịnh, nhưng cũng không hề làm giảm đi cái sáng đẹp như tranh của Thiền viện này.
Trúc Lâm Thiền Viện - Tây Thiên
Quay xe lại theo hướng "Phố Núi", qua gần 14km đường đèo quốc lộ 2B dốc đứng (trên 10%) là đến chợ trung tâm của thị trấn. Tam Đảo là một thung lũng nhỏ, có diện tích gần 300ha, nằm trên độ cao khoảng 1000m so với mặt biển; Tuy hẹp, quanh co với nhiều tầng nấc, cao thấp khác nhau nhưng cảnh sắc thì không hề có sự chia cắt, mà thật hài hòa hữu tình, những giò phong lan muôn màu khoe sắc, xen lẫn đâu đó những khóm cúc quì vàng ngắt và dọc theo bên các con đường quanh co là những giàn su su xanh mướt, những giàn bìm bìm với sắc hoa tím đến nao lòng; Và con suối nhỏ như muốn chia Phố Núi làm hai phần, khi thì róc rách như than thở, khi thì ào ào như gào thét... càng làm tăng thêm vẻ quyến rũ, thơ mộng của Phố Núi.
Khách sạn, nhà nghỉ cứ đua nhau và san sát mọc lên
Thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Ðảo một khung cảnh và khí hậu tuyệt vời giữa vùng châu thổ sông Hồng, với cái nắng đổ lửa và không khí oi gắt của mùa hè thì chỉ sau hơn nửa giờ chạy xe từ Tp Vĩnh Yên du khách đã cảm nhận và tận hưởng được cái mát mẻ này. Khí hậu của Tam Đảo vào mùa hè thường có bốn mùa trong một ngày; Buổi sáng đầu xuân, buổi trưa đầu hè, buổi chiều đầu thu, và buổi tối đầu đông; không nóng lắm và cũng không lạnh lắm, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng chừng 200C.
Thị trấn vào những ngày đẹp trời, dưới ánh nắng ban mai, lãng đãng những chùm mây, bồng bềnh trôi dọc theo sườn núi, xa xa những cung đường đèo ngắn ngoằn ngoèo, xen lẫn một vệt trắng nhỏ của con suối vắt qua cái màu canh sẫm của cây rừng …chính những cái nho nhỏ này làm lên chất thơ, chất mộng và cái quyến rũ của Phố Núi giữa vùng đồng bằng. Hiện tại Tam Đảo đã có trên 60 cơ sở khách sạn tương đối quy mô, như: Mela, Hạ long, Hương Rừng, Cây Thông, Tam Sơn và nhiều nhà nghỉ bình dân.... có thể đáp ứng với cho mọi loại du khách.
Khách sạn Mela trong sương, một kiến trúc đẹp nhất nhì phố núi
Nếu không may bạn lên Tam Đảo vào ngày mưa gió, chớ vội buồn thay vì để cảm nhận sự hòa trộn của cảnh sắc đất trời, để nhấm nháp cái chất mộng mơ và chiêm ngưỡng cái mượt mà như tranh dưới nắng ban mai của Phố Núi bạn sẽ được trả lại bằng những trải nghiệm ở khía cạnh khác mà có lẽ trong cuộc đời mỗi người khó có thể quên; Đó là tiếng rít như gào xé của gió khi qua những khe núi, đó là mây mù nuốt chửng cả thung lũng chỉ trong tích tắc, ban ngày cách nhau 30m mà không rõ mặt người; Phố Núi thoắt rực rỡ, thoắt âm u cô tịch và sau cùng là sự cảm nhận cái rét thấu đầu đông của xứ Bắc.
Những gì còn lại của ngôi biệt thự cổ đầu thị trấn
Chính vì khí hậu mát mẻ, lại cách không xa với Hà Nội, nên đầu thế kỷ 20 người Pháp đã xây dựng ở nơi đây thành khu nghỉ mát với nhiều biệt thự, khu thể thao phục vụ bộ máy cai trị của thực dân, hiện còn lác đác một số dấu tích hoang tàn của các biệt thự cổ và đều nằm ở các vị trí đắc địa, nhưng chưa được nghiên cứu để phục hồi lại dáng vẻ kiến trúc phố núi khi xưa.
Phố Núi chập chờn trong đêm đầy mây, mưa và gió
Phố Núi không xa lắp các đô thị lớn trong vùng là điểm đến thích hợp cho những du khách, mà quỹ thời gian không được dư dật cho lắm và đặc biệt là không phải tốn công hoặc nhọc nhằn những việc chuẩn bị trước cho 1 chuyến đi xa; cũng chẳng phải "tê cứng" chân, tay bởi nhiều giờ ngồi, nằm vạ vật trên tàu, xe...để có thể được ít ngày nghỉ ngơi, thư giãn chuẩn bị cho những ngày làm việc mới.
Nên chăng bạn hãy thử làm một chuyến để khám phá cái đẹp của thị trấn Phố Núi này!
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hasitec.com.vn là vi phạm bản quyền